Dạo một lượt trên các báo, nhan nhản các bài báo viết về việc Nam Định quyết định không tuyển công chức nhà nước đối với sinh viên học hệ Dân Lập và Tại chức. Cũng có nhiều ý kiến trái chiều, người thì ủng hộ, người thì phản đối.
Ai cũng có lý của mình để biện luận cho ý kiến của mình. Tôi, với tư cách là một người con Nam Định chính hiệu, cũng có quyền đưa ra ý kiến của riêng mình chứ nhỉ?
Trước tiên, xét về những ý kiến ủng hộ. Lý do được đưa ra là do các trường Dân lập và hệ tại chức đào tạo không đạt tiêu chuẩn nên chất lượng sinh viên từ những hệ này không so sánh bằng sinh viên các trường công lập. Nghe thì có vẻ có lý, và với xã hội học tập như việt nam hiện nay thì quả là cũng tới 8 phần đúng (trên thang điểm 10). Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, không cái gì là hoàn hảo cả. Và không nên vơ đũa cả nắm thế chứ. Tất nhiên là với cái nguyên tắc là yêu cầu đầu vào cao thì chất lượng tuyển được cũng phải cao (bỏ qua cái gọi là con ông cháu cha ở đây ra đã). Thế nhưng, như thế thì lại không công bằng cho một số ít những cá nhân học dân lập mà cố gắng phấn đấu (những trường hợp này là không nhiều – trên quan điểm cá nhân tôi), hay thậm chí những người đâu cần trường lớp gì, họ vẫn cứ giỏi. Xét trên khía cạnh xã hội, nếu tất cả các tỉnh, sau đó là tất cả các doanh nghiệp, đều tẩy chay những sinh viên dân lập, hay sinh viên tại chức, thì lúc đó sẽ xảy ra 2 trường hợp.
– Một là, sẽ không còn trường dân lập hay hệ tại chức nào nữa, do đào tạo ra không có nơi nào nhận, như vậy người học vừa mất tiền, mất thời gian và không giải quyết được việc gì, nên sẽ không có đầu vào cho các trường này.
– Hai là, các trường dân lập, hệ tại chức, sẽ phải tìm mọi cách để thay đổi quan điểm của các cơ quan, doanh nghiệp. Bằng cách nào ư, cái đó để mọi người tự tìm hiểu.
Vậy thì, chúng ta xã hội hóa giáo dục để làm gì? Khi mà chúng ta không công nhận cái thành quả của việc xã hội hóa giáo dục đào tạo ra? Như vậy có phải chúng ta bày ra cái xã hội hóa giáo dục để làm trò đùa? À, cũng có cái để suy ngẫm đây. Khoan kết luận vội, chúng ta hãy xét đến những ý kiến phản đối đã nhé.
Nên chọn công lập hay dân lập với ngành giáo dục Việt nam?
Đối với những người phản đối, đầu tiên phải kể đến là những sinh viên dân lập, hay hệ tại chức. Tất nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì họ phản đối là đúng rồi. Ngoài ra, còn có những người không có quyền lợi, nhưng họ vẫn phản đối, và họ phải có lý do. Như đã nói ở trên, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra, việc tẩy chay dân lập là đang giết chết cái gọi là “Xã hội hóa giáo dục”. Ngoài ra, thì như thế cũng là không công bằng, chắc gì công lập đã giỏi hơn dân lập? Hơn nữa, làm như thế có phải là đã gián tiếp nói rằng, bằng cấp quan trọng hơn năng lực?
Như vậy là ta đã thấy nhiều ý kiến trái chiều, ý kiến nào cũng có lý. Tại sao chúng ta cứ xem xét vấn đề trên một khía cạnh? Hãy thử xoay vấn đề và tìm ra giải pháp hợp lý hơn? Trên phương diện cá nhân, tôi mạn phép so sánh thế này:
– Nếu làm như Nam Định đang làm, nghĩa là không tuyển công chức hệ dân lập và tại chức, thì chúng ta sẽ bắt xã hội phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn. Tại sao hệ dân lập và tại chức lại không được tôn trọng như hệ công lập. Trên lý thuyết thì dù công lập hay dân lập đều phải tuân theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng trên thực tế thì ai cũng biết, tại chức thì thật sự là “thối nát”, còn dân lập thì nhan nhản trường đào tạo không ra gì (tất nhiên vẫn có khá nhiều trường dân lập nhưng chất lượng còn tốt hơn cả trường công lập do điều kiện học hành tốt hơn). Khi đó nền giáo dục ắt phải thay đổi, và một lúc nào đó có khi dân lập lại hoành tránh hơn công lập. Nhưng, việc tẩy chay dân lập và tại chức thế này, cũng có thể dẫn đến việc, các trường dân lập sẽ mất hết sinh viên, không ai dám đi học các trường dân lập nữa. Lúc đó, một số lượng lớn thanh niên sẽ không có chỗ học tiếp nếu thi trượt Đại học chính quy (công lập). Nếu không thay đổi quan niệm xã hội về bằng cấp (mà với cái tư duy tẩy chay dân lập và tại chức thì chắc chắn sẽ không có chuyện thay đổi quan niệm bằng cấp), thì các doanh nghiệp sẽ KHÔNG BAO GIỜ tuyển những thanh niên không có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học. Tất nhiên là có nhiều việc để làm, nhưng thử hỏi xem, nhà nước, doanh nghiệp có thể tạo được bao nhiêu việc làm mà yêu cầu công nhân chỉ cần tốt nghiệp cấp 3? Như vậy thì chính sách xã hội hóa giáo dục chính thức bị xóa bỏ, và đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải xuất khẩu công nhân, nông dân, nhập khẩu kỹ sư, bác sĩ.
Vậy giải pháp là gì?
Với tôi, một thằng IT quèn, mới 29 tuổi đầu thôi, có lẽ suy nghĩ còn thiển cận, nhưng nếu tôi được phép, tôi sẽ không làm như các lãnh đạo Nam Định đang làm. Tôi sẽ làm những việc sau đây:
– Tổ chức thi tuyển bình thường cho tất cả mọi đối tượng. Tôi có thể ưu tiên hơn cho sinh viên công lập. Ví dụ như dân lập, tại chức thì phải dự sơ tuyển, công lập thì không chẳng hạn. Công khai tất cả các khâu từ A đến Z trong việc tuyển công chức. Từ yêu cầu tới số lượng và kết quả.
– Loại trừ hết những thành phần râu ria, hết động lực phấn đấu. Những ai đã là biên chế 3-5-10-hay 30 năm đi chăng nữa, mà có tư tưởng ngồi hưởng thụ không cần làm việc nữa thì cho nghỉ hết. Không thể có chuyện vào biên chế rồi là ta cứ tà tà ta sống, không phải lao tâm khổ tứ làm gì cho mệt, lễ tết cứ đến nhà sếp đều đều là ta vẫn lĩnh lương như vắt chanh. Nên chăng là ta phát lương theo năng lực thay vì biên chế và hệ số như hiện nay?
– Tìm hiểu tại sao công nhân viên chức nhà nước, ai ai cũng kêu lương thấp, không đủ sống, nên mới sinh ra những tiêu cực xã hội như tham ô, đút lót, hối lộ. Nếu đã lương thấp, sao ai ai cũng muốn vào biên chế công chức nhà nước? Tìm hiểu được cái nguyên nhân này, ắt ta sẽ tìm ra được giải pháp mà không cần hạn chế sinh viên dân lập hay công lập nữa. Lúc đó tự khắc sẽ tự đào thải nhau, lúc đó mới là làm theo năng lực, hưởng theo năng lực (chứ không phải hưởng theo nhu cầu).
Không phán xét Nam Định làm đúng hay là sai, nhưng ít ra, nó cũng cho chúng ta thấy một tín hiệu tốt. Việc làm của Nam Định như một hồi chuông, hay như một cái tuýt còi chỉ thẳng vào nền giáo dục nước nhà mà nói rằng: “Hãy xem xét lại cái cách quản lý chất lượng đào tạo đi, đừng cứ mở đầy rẫy trường ra để theo phong trào”. Việc làm của Nam Định là của một tỉnh, nhưng tôi lại mạnh dạn so sánh với việc những ông bộ trưởng như Đinh La Thăng làm với giao thông Việt Nam, hay Vũ Đình Huệ với ngành dầu khí. Tất cả tuy khác nhau về mục đích và hành động, nhưng đều có một điểm chung là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh quốc gia và lợi ích của người dân. Tất cả đều gửi tới xã hội một thông điệp ” Cần phải thay đổi cách nghĩ và cách làm”