Trong tình yêu có rất nhiều điều phi lý mà người ngoài nhìn vào thấy không thể hiểu nổi vì sao anh/ cô này có thể yêu cô/ anh kia, đơn giản như câu hỏi: “Tại sao anh A lúc nào cũng phải đi xin lỗi bạn B, trong khi rõ ràng bạn B sai chứ anh A không hề sai chút nào luôn í”… Ấy vậy mà A vẫn chỉ cười trừ và tỏ ra “chuyện nhỏ như con thỏ” mới sợ chứ!
Cãi nhau con trai luôn sai, con gái luôn ai đúng
Xin thưa, phải đến 90% là con gái luôn luôn đúng, con trai sai lè lè gần như là điều… tất yếu dù thực hư câu chuyện có thế nào đi nữa thì kết quả vẫn vậy mà thôi. Bằng chứng ư? Bằng chứng là muốn làm hòa thì tất nhiên con trai phải năn nỉ ỉ ôi: “Anh biết lỗi rồi, anh sai rồi, em đừng giận anh nữa mà”. Đấy, câu nói đấy đủ trả lời rồi ai sai ai đúng rồi nhé!
“Nếu không nói thế thì đúng là chưa biết đến bao giờ nàng mới chịu làm hòa cho, mặt nàng lúc ấy cứ phải gọi là dày như cái bánh bao chay, sợ lắm í, nên để hòa bình lặp lại, mình đành ‘anh sai rồi’ cho lành”, bạn Minh Cường, 18 tuổi vừa cười vừa lắc đầu dí dỏm tâm sự. Chưa hết, nghĩ một lúc rồi bạn ấy quyết định thủ thỉ nốt: “Thật ra giận dỗi bình thường thì như thế không nói làm gì, chứ khi một trong hai sai lè lè những chuyện nghiêm trọng (nói dối nhau) chẳng hạn, thì tớ có nhất định không chịu làm hòa trước đâu, tớ thấy cái gì cũng cần phải có giới hạn của nó”.
Thật ra, con gái cứ đòi hỏi công bằng nhưng chính mình lại chẳng chịu làm cho nó công bằng gì cả. Ai sai thì người ấy phải xin lỗi, đừng cố chấp quá kẻo dễ mà “già néo đứt dây” lắm đấy, hix!
Người ấy nhắn tin thì nhắn lại, gọi điện thì nghe, không thì thôi
Đôi khi đó chỉ là sự thi gan, điều này thường diễn ra ở các bạn gái nhiều hơn là bạn trai thì phải. Đơn giản như trường hợp của Nga, 17 tuổi: “Với tớ thì đấy gần như là điều tất yếu không có gì phải bàn cãi, sáng sớm tớ nhận được một tin nhắn gọi dậy, chiều đi học về nhận được tin nhắn hỏi han, tối thì hai đứa đi chơi, lên mạng buôn chuyện, rồi lúc đi ngủ chắc chắn sẽ nhận được tin chúc ngủ ngon, hihi! Ngày nào mà không nhận được những tin nhắn như thế, tớ thấy ngạc nhiên tự hỏi không hiểu vì sao, rồi cũng định nhắn tin trước cho chàng nhưng không hiểu sao nghĩ một lúc lại thôi, quyết chờ người ấy nhắn tin rồi mới nhắn lại. Đôi khi tớ cũng tự hỏi chả hiểu sao mình lại thế, nhưng chắc cũng một phần tại tính sĩ diện con gái, hehe”.
Uh, đồng ý rằng với con gái, tính kiêu kỳ, “chảnh”, lắm lúc cũng thật “khó đỡ”, nhưng những ai suy nghĩ như thế chứng tỏ rằng vẫn còn trẻ con lắm nhé, và cũng chưa yêu hết mình đâu đấy, hihi! Vì khi yêu một ai đó, sự sĩ diện, đề cao cái tôi bản thân sẽ được gạt sang một bên, nhường chỗ cho sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau, chứ nếu cả hai đều “làm cao” như thế thì tình yêu có mà thành băng đá mất, hix!
Chỉ thích giảng giải mà không thích lắng nghe
Trường hợp này mới gọi là nan giải í nhé! Có không ít bạn lúc nào cũng chỉ thích “lên lớp”, thao thao bất tuyệt là anh/ em phải làm thế này, nên làm thế kia mới đúng… nhưng khi chính mình bị “lên lớp” thì lại tỏ ra ngoan cố: “Anh/ em thì biết gì mà nói”, “không hiểu gì thì thôi đừng có mà nói lung tung”.
“Bình thường người ấy nói gì mình cũng im lặng lắng nghe, nghe rồi có chỗ nào đồng ý hay không đồng ý mình đều tiếp thu và nói nhẹ nhàng để người ấy biết. Nhưng rồi mỗi lần người ấy sai, mình khuyên nhủ bao nhiêu thì câu trả lời nhận lại luôn là: ‘Em không biết gì thì đừng nói liều’ hay ‘tốt hơn hết em đừng tham gia vào chuyện này’!!! Liệu có phải mình đang yêu một người con trai quá ư bảo thủ?”, Mai Phương, 20 tuổi.
Trong tình yêu, chỉ yêu không thôi chưa đủ, bên cạnh đó, điều cả hai cần làm đó là trở thành người bạn tốt thân thiết của nhau, cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui cuộc sống, giúp nhau đưa ra những lời khuyên hữu ích nữa, có vậy tình yêu mới bền lâu và thêm ý nghĩa.
Bạn có phải là một nhân mang trên mình những thói quen “xấu hoắc” như thế?
Sưu tầm